Trần Long
2022-11-29
Hà Nội
Câu hỏi: Chính sách giảm nghèo của chúng ta là gì
Người dân cần làm gì để thoát nghèo nhanh chóng ?
Đơn vị trả lời:
Câu trả lời:

Khái niệm chính sách giảm nghèo bền vững

Chính sách giảm nghèo: Là toàn bộ các chính sách, giải pháp của Nhà nước, của xã hội hoặc cũng có thể là giải pháp của chính các đối tượng thuộc diện nghèo đói nhằm mục đích cải thiện đời sống vật chất và cả tinh thần của người nghèo, góp phần vào việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch mức sống giữa các dân tộc, giữa các khu vực thành thị và nông thôn và nhóm dân cư.

Giảm nghèo bền vững: Là trọng tâm của chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 - 2020 nhằm cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, trước tiên là vùng đồng bào thiểu số, khu vực miền núi. Từ đó tạo ra sự chuyển biến toàn diện, mạnh mẽ ở các vùng nghèo đói, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch mức sống giữa các dân tộc, giữa các khu vực thành thị và nông thôn và nhóm dân cư.

Chính sách giảm nghèo bền vững: Là tập hợp các quyết định của Nhà nước có liên quan đến việc lựa chọn giải pháp, mục tiêu, công cụ chính sách để giảm nghèo bền vững. Nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư.

Thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững là toàn bộ quá trình chuyển hóa ý chí của Nhà nước về chính sách giảm nghèo bền vững thành hiện thực đến với các đối tượng hộ nghèo nhằm đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, góp phần thu hẹp khoảng cách và chênh lệch về mức sống giữa các khu vực nông thôn và thành thị, giữa các vùng, các dân tộc và nhóm dân cư.

Mục tiêu của chính sách giảm nghèo bền vững

Mục tiêu tổng quát:

Nhằm cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo một cách bền vững, trước hết tại ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số;tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo, thu hẹp khoảng cách giữa càng vùng, miền, các dân tộc,…tạo điều kiện cho người nghèo vươn lên thoát nghèo.

Thực hiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, tăng thu nhập của người nghèo.

Mục tiêu cụ thể:

Tăng thu nhập đầu người của các hộ nghèo lên 3,5 lần, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn quốc từ 1,0-1,5%, các huyện, xã nghèo giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo từng giai đoạn.

Cải thiện đời sống của người nghèo từ y tế, giáo dục, văn hóa, nước sinh hoạt, nhà ở và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội ở các huyện, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn theo tiêu chí nông thôn mới, trước hết là giao thông, điện, nước sinh hoạt.

Công cụ và giải pháp thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững

Chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung gồm: Các chính sách hỗ trợ về giáo dục và đào tạo; Hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo; Hỗ trợ về nhà ở; Hỗ trợ về y tế và dinh dưỡng; Hỗ trợ hưởng thu văn hóa, thông tin; Hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ giúp trợ giúp pháp lý.

Các giải pháp giảm nghèo bền vững được chính phủ lựa chọn, cụ thể:

  • Thứ nhất, tăng nguồn lực đầu tư và cân đối nguồn lực trung hạn của Nhà nước cho các chính sách, chương trình giảm nghèo,thúc đẩy kết nối phát triển kinh tế-xã hội giữa các vùng khó khăn với vùng phát triển và thực hiện chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai để thu hút doanh nghiệp đầu tư để phát triển kinh doanh, cơ sở hạ tầng và giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, nâng cao sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tại các địa bàn nghèo và kết hợp chặt chẽ giữa chính sách giảm nghèo với phát triển kinh tế-xã hội và an ninh quốc phòng.
  • Thứ hai, thực hiện chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng. Duy trì bổ sung một số chính sách hỗ trợ phù hợp với những hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo.
  • Thứ ba, tăng nguồn vốn ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, điều chỉnh đối tượng,mức vay, lãi suất và thời hạn cho vay phù hợp gắn với các chính sách khuyến khích, hỗ trợ khác.
  • Thứ tư, ưu tiên đầu tư nguồn lực cho cơ sở hạ tầng và phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các khu vực đào tạo nghề cho khu vực nông thôn, đồng bào dân tộc và phân luồng đào tạo nghề phù hợp, duy trì các chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo và cận nghèo, phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú và khó khăn. Giải quyết tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số không có đất ở và giải quyết đất sản xuất hoặc chuyển đổi nghề cho ít nhất 80% hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Kết hợp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo.
  • Thứ năm, phổ cập giáo dục và nâng cao tỷ lệ đào tạo nghề khu vực nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số; phân luồng đào tạo nghề hiệu quả; duy trì các chính sách hỗ trợ cho học sinh,sinh viên có hoàn cảnh khó khăn,…
  • Thứ sáu, điều chỉnh cơ cấu đầu tư lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế để tăng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, hộ cận nghèo.
  • Thứ bảy, tăng cường công tác nhà nước, hoàn thiện cơ chế điều hành, phân công đầu mối chịu trách nhiệm chính, phân cấp nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể cho địa phương, cải cách thủ tục hành chính và phương thức để người dân dễ dàng tiếp cận.

    Các yếu tố ảnh hưởng đến thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững

    Tăng trưởng kinh tế

    Sự tăng trưởng kinh tế tác động lớn đến việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo của đất nước. Kết quả tăng trưởng kinh tế thể hiện tình trạng sức khỏe của đất nước đồng thời quyết định đến mọi chủ trương, định hướng liên quan đến công tác giảm nghèo.

    Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa

    Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa dẫn đến sự hình thành nhiều dự án, khu công nghiệp, cơ sở hạ tầng được đầu tư mở rộng khiến diện tích đất của người dân bị thu hẹp. Điều này dẫn đến nhiều hộ dân phải di dời đến nơi ở mới không không đáp ứng được điều kiện phát triển kinh tế gia đình, không kịp chuyển đổi nghề hoặc không có tay nghề,…khiến thu nhập không ổn định, không có điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và phải đối mặt với nhiều rủi ro về sức khỏe, việc làm, tệ nạn xã hội và dễ rơi vào tình trạng nghèo đói.

    Thiên tai, dịch bệnh và ô nhiễm môi trường

    Mức độ tàn phá rừng, ô nhiễm môi trường hiện nay ngày càng nghiêm trọng, là nhân tố trực tiếp ảnh hưởng đến mức độ và phạm vi của đói nghèo. Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu đô thị, khu công nghiệp cũng là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tật nặng ảnh hưởng đến sức lao động, giảm thu nhập.

    Các tình trạng thiên tai như bão, lũ, hạn hán,…khiến cho một bộ phận không nhỏ người dân bị ảnh hưởng trong nuôi trồng phát triển kinh tế. Các chính sách hỗ trợ vay vốn cũng không thực sự hiệu quả.

    Năng lực tổ chức và quản lý của bộ máy nhà nước các cấp

    Bộ máy nhà nước các cấp còn nhiều hạn chế, công tác tổ chức,quản lý quá cồng kềnh và chồng chéo giữa các cơ quan ngang cấp với nhau dẫn đến mục tiêu giảm nghèo bền vững thường bị xem nhẹ và chậm tiến độ. Tính chất và mức độ hành chính quan liêu đã ảnh hưởng đến việc giải quyết vấn đề giảm nghèo, lãng phí trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tham nhũng ngày càng nghiêm trọng đã tác động đến chất lượng và hiệu quả phát triển cũng như đời sống vật chất và niềm tin của nhân dân.

    Chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về nội dung của chính sách giảm nghèo bền vững. Để hoàn thành được mục tiêu này cần sự nỗ lực, chung tay của toàn xã hội, Đảng bộ và Chính quyền.