Kỹ thuật chế tác khèn truyền thống của người Mông ở xã Yên Thổ

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có người Mông ở xóm Lũng Liềm, xã Yên Thổ (Bảo Lâm) thực hành kỹ nghệ thủ công chế tác cây khèn truyền thống.

Khèn theo tiếng Mông gọi là “chúa kềnh”, là báu vật và biểu trưng cho văn hóa của người Mông. Khèn hiện hữu trong sinh hoạt hằng ngày, là sức mạnh thể hiện nam tính, sự quyến rũ của các chàng trai trẻ đối với các thiếu nữ. Trong ngày hội xuân, các chàng trai người Mông trổ tài trước bạn gái bằng âm thanh tiếng khèn và vũ điệu uyển chuyển múa cùng với cây khèn. Trong đám tang tiếng khèn và vũ điệu múa khèn an ủi vong linh và tiễn đưa linh hồn người đã khuất về cõi vĩnh hằng. Khèn giữ vai trò chủ đạo trong đời sống văn hóa tinh thần của người Mông. Khèn là linh hồn của người Mông, do đó nghề làm khèn luôn tồn tại và song hành cùng với cộng đồng dân tộc. Để tạo ra một cây khèn là cả một quá trình hàm chứa tâm huyết và niềm say mê của người thợ, tất cả các công đoạn chế tác ra một cây khèn hoàn chỉnh đều làm thủ công. 

Ông Ma A Sìa, xóm Lũng Liềm được cha truyền kỹ nghệ làm khèn từ khi còn trẻ chia sẻ: Để tạo một chiếc khèn, đầu tiên là công đoạn làm thân kèn, người thợ sẽ chọn đoạn thân cây thông rừng, sử dụng phần lõi, dùng dao sắc để gọt tạo hình, một đầu phình to, đầu còn lại thuôn dài có đường kính 15 - 20 cm, cưa đôi thành hai nửa bên trong được nạo rỗng, sau đó khoan 12 lỗ ở phần phình to để xỏ ống, phơi khô. Sau đó lấy vỏ cây “thầu dây” làm dây quấn gắn hai nửa thân kèn, với sự khéo léo và kinh nghiệm lâu năm người thợ gắn sao cho hai nửa khít lại và phải quấn cho khéo để không nhìn thấy mối nối của vỏ cây. Tiếp theo người thợ lấy thân cây “tanh cành” được cắt làm 6 đoạn có độ dài khác nhau, sau đó dùng dao sắc để loại bỏ phần gồ ghề của mấu để người cầm không bị ảnh hưởng đến tay. Luồn cây “tanh cành” vào thân khèn rồi dùng vỏ cây “thầu dây” cố định 6 ống tạo thành khối. 

Ông Ma A Sìa chế tác khèn.
Ông Ma A Sìa chế tác khèn.

Khèn Mông chỉ có 6 ống ngang nhưng thổi được 7 nốt trên khuông nhạc, tùy theo giai điệu người thổi khèn dùng hơi để thổi vào miệng khèn, tay ấn lỗ trên ống sáo sẽ tạo thành âm thanh theo giai điệu. Người sử dụng khèn thành thạo vừa thổi vừa nhún nhảy múa vũ đạo theo tiếng nhạc, tạo sự cuốn hút đặc trưng của vũ điệu khèn mông. 

 Anh Ma A Chía, cán bộ xã Yên Thổ cho biết: Cây khèn do ông Ma A Sìa tạo ra có âm thanh vang và sử dụng lâu bền. Ông là một trong hai nghệ nhân duy nhất còn thực hành kỹ nghệ làm khèn thủ công ở Cao Bằng.

Ông Sìa còn truyền dạy kỹ nghệ làm khèn cho cháu trai là Ma A Dành. Mặc dù thời gian học nghề chỉ mới vài năm gần đây nhưng với sự tinh tế và đôi tay khéo léo, cùng với niềm đam mê với cây khèn, anh Dành đã tạo ra những chiếc khèn vô cùng tinh xảo, đảm bảo về chất lượng và mỹ thuật, kỹ nghệ làm khèn của anh đã vang xa sang tận tỉnh Hà Giang, nhiều đơn đặt hàng từ Hà Giang được anh giao đúng hẹn và làm hài lòng người sử dụng.

Hiện tại, ở Cao Bằng chỉ có xã Yên Thổ còn có nghệ nhân thực hành kỹ thuật chế tác khèn, đây là kỹ nghệ thủ công độc đáo cần tuyên truyền để nghệ nhân truyền nghề cho thế hệ trẻ, góp phần bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. 
Nguồn: Báo Cao Bằng